Bộ Công an làm việc với Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn trong hành nghề luật sư

10 - 09 - 2019

 10/9/2019 09:50:11

Bộ Công an làm việc với Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn trong hành nghề luật sư

Trên cơ sở đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN), vào ngày 23/8/2019, Thượng tướng Lê Quý Vương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng lãnh đạo các Cục chức năng đã tiếp và chủ trì cuộc họp với Thường trực LĐLSVN và đại diện một số Ủy ban trực thuộc tại trụ sở Bộ Công an để thảo luận, xem xét, tháo gỡ các kiến nghị của LĐLSVN liên quan quá trình tham gia tố tụng của luật sư trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự.

 

Thượng tướng Lê Quý Vương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp

 

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết được sự ủy quyền của Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, thể hiện qua việc ban hành Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011. Về phần mình, Lãnh đạo Bộ Công an đã quán triệt đến tất cả hệ thống cơ quan điều tra, các điều tra viên yêu cầu nghiêm túc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa trong giai đoạn điều tra. Thứ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá rất cao vai trò, sự đóng góp của đội ngũ luật sư trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, sự thật khách quan, trợ giúp pháp lý, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, góp phần dân chủ hóa hoạt động tố tụng. Cuộc họp hôm nay, Lãnh đạo Bộ Công an sẽ lắng nghe các ý kiến của giới luật sư về những khó khăn, vướng mắc khi tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra; đồng thời tiếp nhận các ý kiến đóng góp của LĐLSVN đối với dự thảo Thông tư mới của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

 

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch LĐLSVN phát biểu ý kiến tại cuộc họp với Lãnh đạo Bộ Công an và các Cục chức năng

 

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch LĐLSVN bày tỏ sự vui mừng trước việc Lãnh đạo Bộ Công an, cùng các Cục chức năng, các Cơ quan An ninh và Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã dành thời gian tiếp và lắng nghe ý kiến của giới luật sư Việt Nam về những tồn tại, khó khăn khi tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự. LĐLSVN đánh giá cao sự phối hợp, trên cơ sở thực thi các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và quyền hành nghề của luật sư; đồng thời Bộ Công an đã dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 70 quy định về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để LĐLSVN góp ý.

Theo sự phân công, Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch LĐLSVN đã nêu lên quá trình tổng hợp ý kiến của giới luật sư Việt Nam phản ánh những bất cập, khó khăn khi tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra, đồng thời đã có Công văn số 304 ngày 21/8/2017 về tổng kết thi hành Thông tư 70 từ phía luật sư. LĐLSVN đánh giá rất cao sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết các trường hợp kiến nghị cụ thể các đơn thư khiếu nại, tố cáo về việc cản trở quyền hành nghề luật sư trong những năm qua. Sau khi Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an gửi dự thảo Thông tư mới của Bộ trưởng Bộ Công an, LĐLSVN đã có Công văn số 02 ngày 4/01/2019 kèm theo Bản tổng hợp ý kiến đóng góp của LĐ gửi Bộ Công an xem xét, tiếp thu. Theo số liệu chưa đầy đủ, trong gần mười năm qua, các luật sư đã tham gia bào chữa 133.317 vụ án hình sự (trong đó có 68.638 vụ án theo yêu cầu chỉ định, 64.679 vụ án do khách hàng yêu cầu), góp phần rất lớn vào quá trình điều tra nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, đương sự. Tuy nhiên, kể từ khi BLTTHS 2015 có hiệu lực vào đầu năm 2018, trong quá trình tham gia tố tụng, có nhiều luật sư phản ánh về sự chậm trễ trong việc tiếp nhận, cấp Thông báo đăng ký bào chữa, đặc biệt là việc phối hợp, giải quyết yêu cầu gặp, làm việc, tham dự hỏi cung của luật sư trong giai đoạn điều tra. 

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà LĐLSVN mong muốn dự thảo Thông tư mới của Bộ trưởng Bộ Công an điều chỉnh là cần phản ánh đầy đủ tinh thần rất mới, tiến bộ của BLTTHS 2015 liên quan các nguyên tắc cơ bản, về vị trí, vai trò mang tính phản biện, thể hiện bản chất dân chủ trong TTHS Việt Nam, cụ thể hóa các quy định tại chương V mới về bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị hại, đương sự. Trong đó, có những vấn đề thực tế cần quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn đang phát sinh trong quá trình tham gia tố tụng của luật sư như nhiều cơ quan điều tra chưa có địa điểm, phân công trực ban tiếp nhận thủ tục đăng ký bào chữa, đưa ra yêu cầu về bổ sung giấy tờ không phù hợp các quy định của pháp luật, chậm trễ trong việc cấp Thông báo đăng ký bào chữa. Hiện nay, từ quy định tại Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013, Khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015, Khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT ngày 23/01/2018 của liên ngành Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngoại trừ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các quy định pháp luật nêu trên không có một câu chữ nào hạn chế quyền chủ động của luật sư trong việc gặp, làm việc với người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình điều tra. Rõ ràng, khi nhận được Thông báo đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ tổ chức cho luật sư được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật và trong trường hợp cần phải giám sát thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Tinh thần chung của các quy định này là luật sư có hai trình tự gặp: Chủ động gặp, làm việc với người bị tạm giữ, tạm giam dưới sự giám sát của cơ sở giam giữ và phối hợp với cơ quan thụ lý vụ án để cử người giám sát nêu thấy cần thiết và trình tự luật sư tham dự buổi hỏi cung theo thông báo từ cơ quan điều tra, điều tra viên. Luật sư Phan Trung Hoài cũng nêu thêm một số điểm trọng tâm kiến nghị của LĐLSVN, trong đó Thông tư mới cần quy định rõ thời gian làm việc của luật sư trong Trại tạm giữ, tạm giam đảm bảo trong giờ làm việc hành chính, cần quy định cả chế tài xử lý các vi phạm, cản trở quyền hành nghề luật sư từ phía cơ quan điều tra, điều tra viên để bảo đảm sự công bằng trong xử lý đối với các vi phạm trong hành nghề của luật sư. 

 

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh- Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Hoài Phan)

 

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch LĐLSVN, Luật sư Nguyễn Minh Tâm- Phó Tổng thư ký, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam và Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư đã phát biểu ý kiến bổ sung nhiều ý kiến cụ thể về thực trạng vướng mắc, khó khăn hiện nay của luật sư khi tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, trong đó quan trọng nhất là vấn đề thuộc về nhận thức, đánh giá đúng vai trò của luật sư như là thành tố quan trọng, cần thiết nhằm bảo đảm quá trình điều tra được minh bạch, khách quan và dân chủ; cách thức tiếp nhận, phối hợp, thông báo.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp thay mặt cơ quan soạn thảo giúp việc cho lãnh đạo Bộ Công an cho biết, trong quá trình dự thảo, Bộ Công an đã hết sức cầu thị, hai lần gửi văn bản trao đổi, tiếp thu rất nhiều ý kiến của LĐLSVN trong dự thảo mới, lấy ý kiến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan chức năng. Trong những năm qua, Bộ Công an đã tiếp nhận và trực tiếp yêu cầu các cơ quan điều tra xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của luật sư do LĐLSVN chuyển đến đối với các hành vi cản trở quyền hành nghề luật sư. Một số lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng chia sẻ, nêu lên thực tế giải quyết yêu cầu tiếp nhận, thủ tục đăng ký bào chữa của luật sư bị chậm trễ do nguyên nhân khách quan, trong đó áp lực của quy định trong vòng 24 giờ phải cấp Thông báo đăng ký bào chữa, trong khi sau thời điểm tiếp nhận, thủ tục phải trình qua Lãnh đạo Cơ quan điều tra, Trưởng phòng, sau đó điều tra viên phải vào cơ sở giam giữ lấy ý kiến xác nhận của người bị tạm giữ, tạm giam. Mặt khác, làm thế nào để xác định chính xác mối quan hệ giữa người thân thích với người bị tạm giữ, tạm giam để làm căn cứ giải quyết yêu cầu nhờ luật sư bào chữa của người thân thích…

Cuộc họp đã lắng nghe, trao đổi các ý kiến rất cụ thể từ phía Bộ Công an và LĐLSVN về những quy định trong BLTTHS 2015 và các Luật, văn bản pháp quy liên quan cần chuyển tải, cụ thể hóa trong dự thảo Thông tư mới. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thượng tướng Lê Quý Vương đánh giá đây là cuộc họp có ý nghĩa rất quan trọng, dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, trong đó ghi nhận rất nhiều ý kiến tâm huyết mang tính xây dựng của giới luật sư, đồng thời cũng chia sẻ với trách nhiệm nặng nề trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay của lực lượng Công an nhân dân, thể hiện trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực LĐLSVN trong quan hệ phối hợp thực hiện, tuân thủ các quy định mới của BLTTHS 2015. Bộ Công an đã chủ động xây dựng dự thảo Thông tư mới nhằm kế thừa, thay thế Thông tư số 70, cầu thị lấy ý kiến từ phía LĐLSVN, trên tinh thần ghi nhận và đánh giá cao về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, đương sự.

Nhân cuộc họp này, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định và yêu cầu Lãnh đạo các cơ quan điều tra, các điều tra viên cần nhận thức đúng đắn, cùng với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân, cần phải hết sức coi trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa của người bị buộc tội; coi trọng việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ chứ không chỉ đơn giản dựa vào lời khai, biên bản hỏi cung. Thứ trưởng Bộ Công an cũng ghi nhận vai trò của luật sư thông qua số liệu LĐLSVN cung cấp, nhất là tỷ lệ luật sư bào chữa theo yêu cầu chỉ định của các cơ quan tiến hành tố tụng cao hơn so với yêu cầu của khách hàng. Nếu như trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra có sự phối hợp, quan hệ chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định với Viện kiểm sát, Tòa án, thì cũng cần nhận thức và phối hợp trên cơ sở pháp luật với đội ngũ luật sư, không nên tạo ra khoảng cách hoặc viện dẫn những khó khăn trong thực tế để không thực thi, bảo đảm quyền hành nghề đúng đắn của luật sư.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến xây dựng và tâm huyết của LĐLSVN, trong đó tập trung vào những vấn đề đang còn nhiều vướng mắc, khó khăn hiện nay, đó là: Thống nhất 2 cách thức luật sư gửi thủ tục đăng ký bào chữa là gửi trực tiếp và gửi qua đường bưu điện; mỗi cơ quan điều tra cần tổ chức địa điểm, phân công cán bộ trực ban tiếp nhận, chuyển giao theo quy trình nội bộ để đảm bảo thời hạn cấp Thông báo đăng ký bào chữa theo quy định của BLTTHS 2015, thông tin công khai địa chỉ để luật sư, người dân biết để liên hệ. Về thời gian làm việc của luật sư trong Nhà tạm giữ, tạm giam, sau khi tiếp thu ý kiến từ hai phía, cần ghi nhận trong dự thảo luật sư được làm việc trong giờ hành chính. Đặc biệt, để bảo đảm quyền bào chữa, vấn đề hết sức quan trọng là quy định rõ ràng trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa cơ quan thụ lý vụ án và cơ sở giam giữ. Sau khi cấp Thông báo đăng ký bào chữa, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho cơ sở giam giữ để biết và bảo đảm việc luật sư yêu cầu gặp, làm việc với người bị tạm giữ, tạm giam, đồng thời thực hiện các biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn cho chính các luật sư theo quy định của pháp luật. Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu, sửa đổi các loại biểu mẫu liên quan đến các thủ tục bảo đảm quyền bào chữa và quan hệ phối hợp, thông tin với luật sư. Thượng tướng Lê Quý Vương cũng đồng ý với đề nghị của LĐLSVN, trong dự thảo cũng cần quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm từ cả hai phía luật sư và điều tra viên để bảo đảm sự công bằng. Nhân dịp này, Bộ Công an cũng đề nghị LĐLSVN nghiên cứu, thảo luận để công khai địa chỉ Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để phối hợp thực hiện yêu cầu luật sư trong các trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải chỉ định người bào chữa; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo sau khi tiếp thu ý kiến của LĐLSVN, cần gửi lại dự thảo lần cuối để LĐLSVN tham khảo và có thể đóng góp thêm ý kiến.

Sau khi kết thúc cuộc họp có ý nghĩa quan trọng này, các thành viên LĐLSVN đã hân hạnh được Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thân mật và trao đổi thêm nhiều vấn đề liên quan đến vai trò và hoạt động của luật sư.

 

Thượng tướng Lê Quý Vương cùng Lãnh đạo các Cục chức năng chụp ảnh lưu niệm với Thường trực và đại diện một số Ủy ban trực thuộc của LĐLSVN

Bài viết liên quan