Chúc mừng ngày truyền thống Luật Sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2022)
07 - 10 - 2022
Đà lạt, ngày 05 tháng 10 năm 2022.
Kính gởi các luật sư đồng nghiệp!
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Chính vì quan tâm đặc biệt đến quyền tự do của mọi người dân Việt Nam nên ngay sau khi giành độc lập cho đất nước. Chỉ sau 38 ngày tính từ ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mặc dù bận trăm công ngàn việc liên quan đến vận mệnh đất nước nhưng vì thấy rõ sự cần thiết phải thay thế tổ chức luật sư cũ do Pháp thiết lập từ năm 1864 ở nước ta và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của Cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư. Sắc lệnh 46/SL nêu rõ: “Các tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ. Sắc lệnh ngày 25-5-1930 quy định tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều sửa đổi sau này. Các luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các tòa án (...)” (Điều thứ 1 và 2). Điều này cho thấy Người đã đánh giá cao quyền bào chữa, nghề luật sư và vận dụng nó thích nghi, phù hợp trong điều kiện cụ thể của Cách mạng Việt Nam.
Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong việc hình thành khái niệm quyền bào chữa và nghề luật sư trong chế độ cách mạng. Hơn một năm sau, Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta ra đời, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thực hiện, Điều thứ 67 đã quy định: “Các phiên tòa án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”.
Cũng từ Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945, quyền bào chữa đã chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định trong lĩnh vực Tư pháp. Nguyên tắc ấy đã khẳng định vị trí, vai trò của người luật sư trong xã hội Dân chủ pháp quyền với tính cách là người bảo vệ, trợ giúp pháp lý cho nhân dân và cũng là sự thể chế hóa quyền bào chữa và nhờ luật sư bào chữa cho mình.
Thông qua Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh cho thế giới thấy được sự tiến bộ, bắt kịp thời đại của một nhà nước non trẻ và đặt nền móng dân chủ trong lĩnh vực Tư pháp của đất nước sau này. cũng khẳng định quyền bào chữa của con người và vai trò của luật sư trong xã hội tiến bộ.
Ngày nay, quyền bào chữa của công dân và vai trò của luật sư ngày càng được nâng cao. Sau ngày độc lập, thống nhất đất nước, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã lần lượt xác định quyền bào chữa và nghề luật sư. Hiến pháp năm 1980, Điều 133 quy định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”. Điều 132 Hiến pháp năm 1992 cũng nêu rõ: “Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình”. Hiến pháp năm 2013 đã có những sự thay đổi tiến bộ, phù hợp với tình hình mới và pháp luật quốc tế. Lần đầu tiên quyền bào chữa được ghi nhận minh thị là một trong số các quyền công dân, quyền con người, cụ thể tại khoản 4, Điều 31, Chương II về Quyền con người, quyền cơ bản của công dân: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Nhà nước ta cũng đã lần lượt thể chế hóa, nâng cao vai trò của luật sư qua các văn bản quy phạm pháp luật từ thấp đến cao: Pháp lệnh Tổ chức luật sư ngày 18-12-1987 và Quy chế Đoàn Luật sư ban hành kèm theo Nghị định số 15/HĐBT ngày 12-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng đánh dấu sự đổi mới về tư duy pháp lý đối với nghề luật sư theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Để tiếp tục hoàn thiện chế định luật sư, mười hai năm sau một pháp lệnh mới về luật sư được ban hành. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đưa chế định luật sư nước ta tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm cơ sở cho việc hội nhập thế giới trong quá trình toàn cầu hóa. Sau 5 năm thi hành Pháp lệnh, Luật Luật sư năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2007) thay thế Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và sửa đổi một số điều của Luật Luật sư 2012. Các Bộ luật hình sự, dân sự và các Nghị định của Nhà nước cũng từng bước tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm đầy đủ quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trước pháp luật và không ngừng nâng cao vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng.
Đội ngũ luật sư Lâm Đồng ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong 77 năm qua, lực lượng luật sư Lâm Đồng không ngừng lớn mạnh về số lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Thực tế, luật sư Lâm Đồng thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc phát huy quyền dân chủ cơ bản của công dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật, phục vụ tích cực công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Đã góp một phần không nhỏ
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2022) tôi xin gửi đến toàn thể quý luật sư đồng nghiệp, người tập sự hành nghề Luật sư – những người đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, bảo vệ sự công minh của hệ thống pháp luật Việt Nam và phát triển nghề Luật sư những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công nhất. Chúc đội ngũ Luật sư sẽ ngày càng phát triển vững mạnh về chất lượng, luôn phát huy truyền thống đoàn kết chung sức xây dựng ngành Luật sư phát triển ngày một vững mạnh, tạo lập niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh, địa vị pháp lý của Luật sư và nghề Luật sư. Luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của những người yếu thế trong xã hội.
Trân trọng!
Ls. Huỳnh Tho