Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luật sư
21 - 03 - 2025
Ngày 15/3/2025, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luật sư cho hơn 100 luật sư với chuyên đề: “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền và hành nghề luật sư” do bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp trình bày.
Theo bà Đặng Kim Hoa, Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) năm 2022; Nghị định 19/2023/CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ; Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điều của Luật PCRT đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua và hiện nay nhiều luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vẫn chưa quan tâm, chưa tuân thủ.
"Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thì mỗi tổ chức hành nghề luật sư có thể bị xử phạt từng hành vi vi phạm, tổng cộng lên tới tiền tỉ", bà Hoa nhấn mạnh.
Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp
Cụ thể, pháp luật về PCRT yệu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ, trong đó có tổ chức hành nghề luật sư phải thiết lập chương trình tuân thủ PCRT gồm: Chỉ định, phân công người tuân thủ; thực hiện đánh giá rủi ro; xây dựng quy định nội bộ.
Mặt khác, duy trì chương trình tuân thủ: Thu thập thông tin và phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro; thực hiện các nghĩa vụ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước; áp dụng biện pháp tạm thời; kiểm toán nội bộ và đào tạo, bồi dưỡng về PCRT, lưu giữ hồ sơ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày kết thúc giao dịch. Hồ sơ lưu trữ được bảo quản theo chế độ mật và chỉ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. Không được tiết lộ thông tin về giao dịch đáng ngờ và các thông tin có liên quan đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Nếu luật sư, tổ chức hành nghề luật sư không tuân thủ các quy định của pháp luật về PCRT sẽ bị xử phạt khá nặng. Cụ thể, Điều 40 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm:
- Không ban hành quy định nội bộ hoặc ban hành không đúng với quy định của pháp luật về PCRT.
- Không phân công hoặc không đăng ký phân công cán bộ, bộ phận chịu trách nhiệm về PCRT.
- Không thực hiện kiểm toán nội bộ hoặc kiểm toán nội bộ không đúng quy định.
- Không đào tạo, bồi dưỡng hoặc đào tạo, bồi dưỡng không đúng quy định của pháp luật về PCRT.
Điều 41 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro hoặc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro không đúng.
Theo Điều 42 Nghị định 143/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng là người nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị....
Điều 44 Nghị định 143/2021/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo không đúng theo quy định của pháp luật về PCRT. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn. Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền.
Điều 44a Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai lệch hoặc thông tin không đúng quy định của Luật PCRT...
Do vậy, theo bà Đặng Kim Hoa, các tổ chức hành nghề luật sư cần nhanh chóng quyết định chỉ định, phân công một người hoặc bộ phận thực hiện trách nhiệm PCRT. Đồng thời, ban hành quy định nội bộ để thực hiện việc PCRT; thu thập thông tin, phân loại khách hàng, đánh giá rủi ro của khách hàng. Ngoài ra, các tổ chức hành nghề luật sư cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo gồm: Báo cáo giao dịch đáng ngờ; báo cáo giao dịch lớn trên 400 triệu đồng; báo cáo kiểm toán nội bộ...
Trong phần thảo luận, nhiều luật sư nêu quan điểm, ý kiến. Trong đó đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, nếu luật sư báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về những thông tin của khách hàng theo Luật PCRT liệu rằng có vi phạm điểm c, khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư về các hành vi bị nghiêm cấm là tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề hay không?
Trả lời vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng việc này là “không vi phạm”, vì Luật Luật sư có quy định: “Trừ trường hợp khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác”.
Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luật sư
Đối với quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hành nghề luật sư, bà Đặng Kim Hoa cho biết: Căn cứ Luật Luật sư, Nghị định 123/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2018/NĐ-CP, Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Thông tư 02/2019/TT-BTP, Thông tư 05/2021/TT-BTP, Thông tư 10/2021/TT-BTP, sắp tới ngành tư pháp sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vi phạm các quy định trong lĩnh vực hành nghề luật sư, vì không thể không làm. Cụ thể, luật sư không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, nhiều lần không tham gia là tình tiết tăng nặng. Luật sư thông báo không đầy đủ hoặc không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Luật sư hành nghề từ 2 hình thức trở lên hoặc hành nghề không đúng hình thức sẽ bị xử phạt từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng, tước giấy phép hành nghề từ 1-3 tháng. Luật sư ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng không thông qua tổ chức hành nghề luật sư hoặc không có văn bản ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư có thể bị xử phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, tước giấy phép hành nghề từ 1- 3 tháng....
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, những trường hợp không đủ tiêu chuẩn về tuân thủ hiến pháp và pháp luật; người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức theo quy định tại Điều 10 Luật Luật sư sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
Với các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền và hành nghề luật sư khá nghiêm khắc nói trên, bà Hoa hy vọng rằng các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư sẽ hết sức cẩn trọng và nhanh chóng khắc phục các thiếu sót để không vi phạm.
PHÚC ÂN